
Tin tức & Sự kiện
Nhập môn nghiên cứu dịch thuật – Lý thuyết và ứng dụng
Nghiên cứu dịch thuật là bộ môn học thuật mới về lý thuyết và các hiện tượng dịch thuật. Bản chất của nó là đa ngôn ngữ và liên bộ môn, bao gồm từ ngoại ngữ, ngôn ngữ học, truyền thông học, triết học và nhiều môn nghiên cứu về văn hóa.
Chính vì vậy mà một trong những vấn đề lớn nhất của việc dạy và học về nghiên cứu dịch thuật là tình trạng tài liệu bị tản mạn. Cũng đã có một số tác giả cố gắng tập hợp chúng thành những tập bài đọc; như cuốn Das Problem des Ubersetzens (1963) của Hans-Joachim Störig, Readings in Translation Theory (1989) của Andrew Chesterman, Translation/History/Culture: A Sourcebook (1992b) của André Lefevere, Theories of Translation: An Anthology of Essays from Dryden to Derrida (1992) của Rainer Schulte và John Biguenet, Western Translation Theory from Herodotus to Nietzsche (1997b) của Douglas Robinson và cuốn The Translation Studies Readers (2000) của Lawrence Venuti. Một số sách khác như The Routledge Encyclopedia of Translation Studies do Baker chủ biên (1997b) và The Dictionary of Translation Studies của Shuttleworth và Cowie (1997) đã cố gắng tập hợp các khái niệm chính và mô tả lĩnh vực này.
Sách này có mục đích cung cấp kiến thức nhập môn thực tế vào lĩnh vực nghiên cứu dịch thuật. Nhiệm vụ của nó là điểm lại đầy đủ nhưng có phê phán những khuynh hướng và đóng góp quan trọng nhất trong lĩnh vực này một cách dễ hiểu với đông đảo bạn đọc. Các mô hình lý thuyết đương đại được minh họa sinh động qua những ví dụ thực tế cụ thể. Những nghiên cứu mới được đề cập trong các ví dụ đó, và các ‘câu hỏi thảo luận và nghiên cứu’ là để khuyến khích và hướng dẫn bạn đọc tự tìm hiểu thêm các vấn đề đã được đề cập đến.
Do vậy, sách này được biên soạn để làm giáo trình đại học và cao học về dịch thuật, nghiên cứu dịch thuật và lý thuyết dịch thuật, đồng thời cũng là sách nhập môn lý thuyết đáng tin cậy cho sinh viên, nghiên cứu viên, giảng viên và dịch giả chuyên nghiệp. Mục đích là giúp người đọc nâng cao hiểu biết về các vấn đề và siêu ngôn ngữ gắn với chúng, và có thể tự mình áp dụng các mô hình lý thuyết. Nó cũng hy vọng rằng sẽ khích lệ được người đọc tìm hiểu và tham khảo sâu hơn những vấn đề sát sườn với mình nhất. Bằng cách ấy, nó có thể cung cấp một kiến thức ban đầu sinh động và hứng khởi về những lý thuyết dịch thuật khác nhau cần thiết cho cả những ai đang nghiên cứu về dịch thuật cũng như những nhà ngôn ngữ học chuyên nghiệp.
Mỗi chương sách khảo sát một khu vực chính của bộ môn. Chúng được biên soạn thành từng phần độc lập để người đọc có thể nhanh chóng tìm hiểu những vấn đề cụ thể mà mình quan tâm. Tuy nhiên, liên hệ giữa các khái niệm trong từng chương đều được quy chú rõ ràng, và cuốn sách được cấu trúc để có thể dùng làm giáo trình cho các lớp dịch thuật, nghiên cứu dịch thuật và lý thuyết dịch thuật. Tất cả có 11 chương, mỗi chương có thể giảng trong một hoặc hai tuần, tùy theo quy mô của môn học được quy định theo học kỳ. Phần tài liệu đọc thêm và các câu hỏi thảo luận và nghiên cứu giúp sinh viên có thể bắt đầu xây dựng công trình nghiên cứu riêng của mình. Phát triển ý tưởng cũng đi từ giới thiệu chung (trình bày các vấn đề chính của nghiên cứu dịch thuật trong chương 1) đến những vấn đề phức tạp hơn khi sinh viên quen dần với thuật ngữ và những khái niệm trong lĩnh vực này. Nhìn chung, trình tự này cũng là theo thời gian, từ lý thuyết có trước thế kỷ 20 ở chương 2 đến những lý thuyết theo khuynh hướng ngôn ngữ học (từ chương 3 đến chương 6) rồi đến những phát triển gần đây nhất lấy từ các nghiên cứu xã hội như vấn đề hậu thuộc địa (chương 8).
Để đáp ứng yêu cầu rõ ràng sáng sủa của một giáo trình, tất cả các chương đều có cùng một cấu trúc nội dung như sau:
Liệt kê các khái niệm chính đề cập đến trong chương;
Liệt kê các tài liệu gốc quan trọng nên đọc thêm;
Phần nội dung: mô tả chi tiết các mô hình lý thuyết và vấn đề được đề cập đến;
Phần ví dụ minh họa: áp dụng và đánh giá các mô hình;
Tóm tắt và đánh giá ngắn gọn toàn bộ nội dung của chương;
Liệt kê các ý tưởng thảo luận và nghiên cứu nảy sinh từ các vấn đề vừa được đề cập đến.
Cũng như các sách khác đã nhắc đến ở trên, nội dung của sách này cũng bắt buộc phải chọn lọc. Các nhà lý thuyết và mô hình được chọn giới thiệu ở đây là căn cứ vào mức độ ảnh hưởng đối với bộ môn nghiên cứu dịch thuật nói chung và tính chất đại diện cho những hướng nghiên cứu khác nhau nói riêng được đề cập tới ở mỗi chương. Quy mô và mục đích nhập môn có giới hạn của sách này đã bắt buộc nó phải bỏ qua nhiều tài liệu có giá trị khác.
Cũng chính vì thế mà có phần gợi ý chi tiết các tài liệu đọc thêm. Phần này nhằm khuyến khích sinh viên tìm đọc trực tiếp các tư liệu gốc, tiếp tục tìm hiểu những ý tưởng đã được nêu ra trong từng chương và xem xét những nghiên cứu đang được tiến hành ở chính quê hương và bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Vì vậy, sách này sẽ có tác dụng tốt nhất nếu được dùng cùng với các tài liệu đọc thêm nói trên và với sự hỗ trợ của thư viện nhà trường. Những tài liệu dễ tìm đều được giới thiệu cụ thể, dù chúng là sách riêng lẻ hoặc nằm trong các tổng tập mới được tái bản gần đây. Ở cuối sách là một danh mục đầy đủ các tài liệu tham khảo, kể cả các trang web có thông tin cập nhật về các hội nghị, ấn phẩm và tổ chức nghiên cứu dịch thuật. Trọng tâm là khuyến khích người đọc suy nghĩ, tìm hiểu và biết nhiều hơn về bộ môn mới mẻ này, cũng như áp dụng lý thuyết trong cả thực hành và nghiên cứu dịch thuật.
Một vấn đề lớn là lựa chọn ngôn ngữ của các ví dụ minh họa. Trong sách có các ví dụ bằng các tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Một số ví dụ khác bằng tiếng Hà Lan, Punjabi và Nga. Nhưng các ví dụ này đều được viết theo hướng tập trung minh họa các vấn đề lý thuyết, người đọc không cần phải biết các thứ tiếng nói trên vẫn có thể hiểu được. Tài liệu dùng làm ví dụ cũng gồm nhiều loại, từ Kinh Thánh cho đến tiểu thuyết của García Márquez và Proust, các tài liệu của Cộng đồng châu Âu và Unesco, một sách du lịch nhỏ, một sách dạy trẻ em nấu bếp và những đoạn dịch từ Harry Potter. Một số đoạn dịch từ phim Pháp, Đức và Punjabi cũng được sử dụng. Sinh viên đang học các ngoại ngữ khác nhau cũng có thể tìm thêm những đoạn ví dụ ngắn có trên trang web của nhà xuất bản Routledge:
(http://www.routledge.com/textbooks/its.html).
Hơn hết, hy vọng của tôi là sách này sẽ góp phần tiếp tục phát triển bộ môn nghiên cứu dịch thuật bằng cách giúp đỡ và khuyến khích những ai vừa bắt đầu quan tâm tìm đến môn học mới mẻ năng động này.
(Sách Nhập môn nghiên cứu dịch thuật / Jeremy Munday, Nhà xuất bản Tri thức, tháng 7/2009)
>>> Công ty dịch thuật công chứng uy tín tại tphcm
Các tin khác
- - Dịch luận văn từ tiếng việt sang tiếng anh
- - Dịch thuật luận văn giá rẻ
- - Vài suy ngẫm về nghề dịch thuật
- - Biên dịch viên - Thú vị và nhiều tiềm năng
- - Thảm họa dịch thuật vẫn chưa có hồi kết
- - Nghề phiên dịch
- - Slogan và những sai lầm trong dịch thuật
- - Nạn dịch sai đang phá hỏng tiếng Việt
- - Tản mạn về Dịch thuật
- - Viết như là dịch thuật
- - Tính chuyên nghiệp của nghề dịch thuật
- - Dịch thuật ở Việt Nam Cần sự đánh giá công tâm
- - Giới dịch thuật ngồi lại sau hàng loạt sách bị tố dịch sai
- - Nên nói gì khi nói về dịch thuật
- - Cần quan tâm hơn đến dịch thuật

.jpg)


