Vài suy ngẫm về nghề dịch thuật

Tin tức & Sự kiện

Vài suy ngẫm về nghề dịch thuật


1. Định nghĩa dịch thuật
 
 Dịch thật là gì: theo cái hiểu của thuyết giả và một số từ điển thì "dịch" có nghĩa là chuyển đổi, viết lại, nói lại ý nghĩa của một văn bản, lời nói được biểu hiện bằng thứ tiếng này sang thứ tiếng kia. Bản thân chuyết giả cũng chưa từng dịch gì nhiều để gọi là có kinh nghiệm và cũng không nghiên cứu về vấn đề này, nhưng bài viết này xin trình bày một số suy nghĩ nguệch ngoạc của thuyết giả về lĩnh vực này với hy vọng nhỏ nhoi là đóng góp được gì đó cho nền dịch thuật cũng như hiểu thêm được điều gì đó từ ý kiến phản hồi, và cố gắng diễn đạt ở mức ngắn gọn nhất có thể được. Dĩ nhiên đây chỉ là những ý kiến mang màu sắc cá nhân, không phải là thứ công thức giáo khoa quy chuẩn nào. Bản thân mỗi người lại có những suy niệm khác nhau về cùng vấn đề, và mỗi người lại chọn con đường đi riêng phù hợp với nhân duyên, tình cảnh của mình.
 
 
 
2. Lợi ích của dịch thuật
 
Điều này hẳn là ai cũng thấy rõ. Lợi ích của Dịch Thuật có nhiều mặt, nhưng có thể nói lợi ích chính nhất của nó là giúp những kẻ đi sau không phải loay hoay tìm cách phát minh lại cái bánh xe, cái mà người ta đã làm từ lâu rồi. Nhờ có dịch thuật những kẻ đi sau có thể tận dụng cái bánh xe người khác đã phát minh ra, tiết kiệm công sức, thời gian và chỉ tập trung vào việc ứng dụng bánh xe đó vào lợi ích thiết thực của mình. Một ví dụ điển hình cho việc này là nước Nhật thời Minh Trị (Meiji), là lúc mới bắt đầu thoát ra khỏi cái châu Á nhỏ hẹp để bước vào một sân chơi lớn hơn, họ đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác Dịch Thuật. Thời đó có phong trào thi đua Dịch Thuật, ở mọi lãnh vực, từ khoa học kỹ thuật cho tới văn chương nghệ thuật, triết học. Chính nhờ nền tảng tri thức của Thế giới này mà họ đã có bước nhảy vượt xa khỏi những nước đồng chủng đồng văn khác. Truyền thống dịch thuật ở Nhật đến nay vẫn còn. Người ta cho rằng Nhật là nước có nhiều dịch phẩm nhất Thế giới. Và dĩ nhiên điều này là không thể có được nếu không có sự đón nhận, tinh thần ham học hỏi, ham đọc sách của người dân Nhật.
 
 
3. Phân loại dịch thuật 
 
Người ta thường chia khái niệm dịch thuật làm hai phần là "biên dịch" và "phiên dịch" hay "thông dịch". Biên dịch là dịch viết, ngồi một chỗ đọc sách rồi dịch lại. Loại này thường thấy (không phải tất cả) ở những nhà nghiên cứu, hay những người ham thích công tác nghiên cứu, học hỏi . Phiên dịch, thông dịch hay thông ngôn là dịch hiện trường, thuật lại ý nghĩa lời nói của người nước này cho người nước khác hiểu. Loại này thường thấy ở những người có mục đích kiếm tiền chứ không đặt nặng tinh thần hiểu biết (không phải tất cả). Bản thân "thông dịch" cũng là một cái nghề được cầu cạnh nhiều trong bối cảnh xã hội hiện nay. Dĩ nhiên ở đây chuyết giả không có ý đề cao hay khích bác thứ nào cả. Chúng đều đồng đẳng và có những vai trò, lợi ích nhất định không thể thay thế được. Ở đây chuyết giả sẽ lần lượt trình bày qua quan niệm của mình về biên dịch và thông dịch, trong đó lại chia thành những khái niệm nhỏ hơn.
 
+ Biên dịch: như đã nói trên, biên dịch là công tác dịch thuật văn bản từ thứ tiếng này sang thứ tiếng kia, và do vậy ít nhiều nó mang tính văn chương, trí thức hơn là so với công tác thông dịch. Trong bản thân việc biên dịch cũng chia thành nhiều đường lối, nhiều cách dịch khác nhau. Có những khái niệm, phương cách mà nhiều người đã quen thuộc, và có những khái niệm, phương cách theo suy nghĩ của thuyết giả.
 
- Nội dịch: đây là thuật ngữ của thuyết giả, không quan trọng lắm để ghi nhớ. Ngay bản thân bên trong ngôn ngữ một nước đã có hiện tượng "dịch" rồi, và ở đây thuyết giả gọi hiện tượng này là "nội dịch". Ta nên biết rằng khi cả hai ngôn ngữ đều có cùng một thứ thì mới có thể dịch được, còn không thì không thể dịch mà phải giải thích rất dài dòng. Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ là nước A có sự, vật B còn nước C không có nhưng vẫn có thể dịch B từ tiếng A sang C được. Đó là khi sự, vật B quá nổi tiếng, quá quen thuộc với đại đa số quần chúng nước C. Chẳng hạn, Việt Nam là xứ nhiệt đới thì làm gì có "snow" (tiếng Anh) nhưng ai cũng hiểu và dịch "snow" là "tuyết". Ngay bản thân "tuyết" cũng không phải là từ thuần Việt, nhưng có ai thấy nó xa lạ với người Việt? Các dân tộc Á đông đều chịu ảnh hưởng của Hán văn, và qua một quá trình lịch sử lâu dài, rất nhiều từ gốc Hán đã xâm nhập vào ngôn ngữ bản địa của họ nhưng không ai coi đó là từ ngoại lai. Nếu bỏ từ gốc Hán đi thì lắm từ không biết nói làm sao, hoặc phải giải thích rất dông dài. Hiện tượng này thuyết giả gọi là "nội dịch", tức là dùng ngôn ngữ một nước để diễn dịch một khái niệm của chính nước đó.
 
- Ngoại dịch: là hiện ượng "dịch" như mọi người thường hiểu, tức là từ tiếng nước này sang tiếng nước nọ. Đây chính là trọng tâm của bài này. Dưới đây là một số phương cách biên dịch và những mặt mạnh, yếu của nó.
 
* Trực dịch: dịch chính xác từng chữ, từng chữ theo đúng nguyên nghĩa của từ này. Dường như trực dịch là một bản copy hoàn hảo từ tiếng này sang tiếng kia, không để thoát một cái gì trong nguyên ngữ. Lối dịch này thường được áp dụng đối với văn bản khoa học, kỹ thuật. Nhưng cũng có nhiều người áp dụng cách trực dịch này vào văn chương nghệ thuật. Có điều để làm được điều này là vô cùng khó, bởi trong văn chương, câu chữ lắm khi chỉ mang nghĩa trên bề mặt của nó là 10% mà thôi, còn 90% còn lại thuộc phạm vi mà người đời vẫn gọi là "ý ở ngoài lời". Vì thế trực dịch trong trường hợp này thường là không mang lại kết quả gì ngoài sự khiên cưỡng. Và dù có cố gắng thế nào đi nữa, người ta cũng không thể trực dịch hết 100%, bản dịch sẽ có sự biến dạng nhất định.
 
* Ý dịch: đọc nguyên ngữ, nắm ý chính rồi diễn đạt lại trong ngôn ngữ đích. Cách dịch này thường nắm được tinh thần chính của văn bản nhưng lại có khuyết điểm là thường bỏ qua những cái nhỏ nhặt góp phần làm nên cái bối cảnh, nền tảng của văn bản. Theo chuyết giả được biết thì phần nhiều sách văn học ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn đi theo lối này mà cụ Bùi Giáng là một ví dụ điển hình. "Thạch Kiếm" (Miyamoto Musashi -nguyên tác: Yoshikawa Eiji) do Cung Vũ dịch là một trong những quyển sách ý dịch hay nhất mà chuyết giả từng đọc. Một điều nữa là trong phương pháp ý dịch này, giọng văn của tác giả dường như biến mất để nhường chỗ cho giọng văn của chính dịch giả. Như thế sự khác nhau trong giọng văn của các tác giả khác nhau bị biến thành sự khác nhau giữa giọng văn của các dịch giả với nhau của cùng một tác giả. Tuy "dịch là phản" hay nặng hơn, "dịch là diệt" nhưng đồng thời người ta cũng nói "dịch là tái sinh", hay nói theo dịch giả Trần Thiện Huy, "dịch là hình thức sáng tác ké" cũng là vì lý này. Ý tứ của tác giả đã được tái sinh trong một lớp vỏ bọc mới của dịch giả. 
 
* Cảm dịch: khái niệm này có vẻ gần với ý dịch nhưng không hẳn là thế. Đọc nguyên ngữ, hòa mình vào trong nguyên tác rồi diễn đạt lại bằng ngôn ngữ đích. Lối dịch này có vẻ gần với khái niệm "phóng tác" hơn vì khi diễn tả lại bằng ngôn ngữ đích, người dịch đã góp phần làm thay đổi không ít thì nhiều yếu tố, từ ngữ để cho phù hợp với cảm xúc của mình trong ngôn ngữ đích. Bản dịch bài thơ dưới đây trích từ "đại cương văn hóa phương Đông" có thể xem là được dịch theo lối này
 
Nguyên văn: 
 
Kana: 
 
Đọc: Akiyama ni oturu, momitiba simasiku ha, natirimaga hiso, imo ga atari mimu
 
Dịch: Cây phong trên đồi, không ngừng lá rơi, xin đừng rơi nữa, cho ta nhìn một chốc, ngôi nhà người ấy, lá ơi.
 
(Bài thơ thứ 137 của thi nhân Kakinomoto Hitomaro trong tập thơ cổ "Man-yoshu")
 
Rõ ràng trong nguyên bản không hề nhắc đến từ "cây phong" hay "ngôi nhà người ấy" như trong bản dịch. Bản dịch vẫn giữ được tinh thần chính của bài thơ dù không bám sát từng câu từng chữ. Từ Momitiba trong bài thơ là lá vàng, hiện tượng thường thấy khi vào thu. Một loại khác là lá đỏ. Tuy trong bài thơ gốc không có từ nào là cây phong cả nhưng dịch như vậy cũng sát ý, vì người Việt nghe đến cây phong là tưởng đến lá đỏ. Từ "atari" chỉ vùng không gian lân cận, nơi "Imo" (người thương) ở chứ không trực tiếp nói đến ngôi nhà nào như trong bản dịch. Như vậy có thể thấy dịch giả đọc nguyên ngữ, cảm nhận câu chữ trong nguyên ngữ, mường tượng ra bức tranh trong đầu rồi vẽ lại khung cảnh này bằng bút pháp của ngôn ngữ đích. Ấy tức là cảm dịch vậy.
 
 
* Phương pháp Lâm Ngữ Đường: Dịch giả Trung Hoa này đề ra một lối dịch thuật mới lạ tuy không được nhiều người tán thành, đó là trong quá trình dịch từ ngôn ngữ nguồn, nếu thấy có biểu hiện lủng củng, khó dịch xuôi được trong ngôn ngữ đích thì người dịch có thể tự ý chỉnh sửa câu chữ cho phù hợp, xuôi tai với người đọc. Lối dịch này bảo đảm một bản dịch mượt mà nhưng lại có nguy cơ đi trật khỏi tinh thần của tác giả. Lối dịch này coi trọng đại chúng đọc bản dịch ở ngôn ngữ đích hơn là tác giả. 
 
Tuy thật tế có lẽ còn nhiều phương pháp biên dịch nữa nhưng ở đây chuyết giả chỉ liệt kê những gì trong phạm vi hiểu biết của mình. Như vậy thì nên đi theo lối nào? Có lẽ không có câu trả lời cho câu hỏi này bởi không có cái gì là hoàn thiện cả. Và việc đi theo phương pháp nào là lựa chọn cá nhân và tùy tình cảnh chứ không thể áp đặt thành giáo điều. Bởi lẽ dịch tức là truyền đạt lại cái hiểu của mình trong ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích sao cho người khác cũng hiểu được như người dịch ở ngôn ngữ đích. Như vậy để làm được việc này, mỗi người lại có sở trường riêng, mạnh yếu từng mặt khác nhau nên hẳn đường đi cũng không ai giống ai. Nếu một người cho rằng trực dịch là tối ưu nhất nhưng lại yếu mặt đó, vẫn gắng gượng theo nó thì thật không hay. Chuyết giả là người không đi theo một đường lối nhất định nào, tùy từng trường hợp mà chọn cách làm. Giống như trời mưa thì mặc áo mưa, trời nắng thì che dù, trời lạnh thì mặc áo len vậy. Không khư khư mặc cùng một thứ trang phục khi thời tiết thay đổi là cách nghĩ của chuyết giả.
+ Biên dịch khó lắm thay.
Đến đây lại phát sinh vấn đề về định nghĩa dịch. Dịch là truyền đạt lại ý nghĩa của văn bản trong ngôn ngữ đích sang ngôn ngữ nguồn. Nhưng vấn đề: ý nghĩa đó là ý đồ thực sự của tác giả hay chỉ là cách hiểu của cá nhân dịch giả? Thông thường thì ý đồ của tác giả đồng nhất với cách hiểu của dịch giả, nhưng trong văn chương nghệ thuật thì không phải lúc nào cũng như vậy. Có lắm trường hợp ông A viết ra như thế này nhưng đồng bào ông ta lại hiểu thế kia, huống hồ là khi dịch sang tiếng nước khác. Thành ra chuyện "dịch" đôi khi lại là vẽ rắn thêm chân, đó là một cấp độ khác của câu nói "dịch tức là phản". Vì lẽ đó nên dịch giả có lương tâm chỉ chọn dịch những tác gia mình đọc nhiều nhất, hiểu rõ nhất mà thôi. Dĩ nhiên không thể có chuyện hoàn toàn hiểu hết tác giả, nhưng qua nhiều bộ sách của cùng một người thì dịch giả có thể nâng cao xác suất của sự "hiểu" của mình lên. Vì thế nên những dịch giả giỏi có thể dịch nhiều tác phẩm, nhưng thường là tập trung vào một số rất ít tác giả chứ không lang mang nhiều người. Đó là điều chuyết giả quan sát được trong giới dịch thuật ở Nhật. Và thông thường thì để có một bản dịch hoàn hảo, dịch giả phải liên hệ trực tiếp với tác giả để đoan chắc rằng mình hiểu đúng ý đồ của ông ta. Nếu tác giả đã mất thì sự khó khăn còn gấp bội vì phải tra cứu rất nhiều tư liệu về tác giả đó.
 
Một thật tế trong công tác dịch thuật tại Việt Nam hiện nay là người dịch vì nhu cầu của đại chúng, vì cái lợi của số đông mà mà bôi nhọ cái sự "hiểu" tác giả của mình. Người ta có thể xé lẽ một quyển sách ra năm bảy phần, thuê lại chừng ấy sinh viên ngoại ngữ mà giao cho họ, sau đó chỉ tập hợp lại rồi đóng tên mình vào. Và làm như thế cũng là một thái độ không tôn trọng bản thân, không tôn trọng tác giả và không tôn trọng người đọc.
 
Một khó khăn khác trong việc tiếp cận ý tứ của tác giả chính là môi trường, hoàn cảnh sống của tác giả, của thời đại. Khó khăn này có lẽ nghiên về mặt ngôn ngữ hơn là dịch thuật. Để dịch được một từ thì cả hai thứ tiếng, cả nguồn lẫn đích đều phải có từ chỉ thứ đó. Nhưng có lắm trường hợp như thế không cũng chưa đủ mà còn cần phải có yếu tố hoàn cảnh nữa. Theo đó, cùng là một từ ngữ đó nhưng ở những bối cảnh khác nhau thì người ta lại hiểu khác nhau. Chẳng hạn như ai sống ở Việt Nam trong thời gian này đều hiểu câu :"gã đó muốn lái máy bay bà già" hay "cô ả là một con Vàng anh" (xin lỗi, ở đây không có ý xúc phạm ai, mà chỉ là một ví dụ đơn thuần) nhưng một anh Tây dù giỏi tiếng Việt đến đâu, hoặc như người Việt Nam sống xa nhà, không tiếp xúc với thông tin trong nước thì sẽ không hiểu được và không dịch được, hoặc là dịch tào lao câu này qua thứ tiếng khác. Như vậy, để có thể dịch được thì, dù ở khía cạnh nào đi nữa thì anh cũng phải là nhà nghiên cứu, dù muốn hay không. Chuyết giả không tin rằng một dịch giả đàng hoàng lại không phải là nhà nghiên cứu của tác phẩm hay những vấn đề liên quan mà anh ta dịch, ở một hay nhiều khía cạnh. Hiện tượng này thường thấy ở mảng dịch thuật tài liệu khoa học (kiến thức chuyên môn) lẫn dịch thuật văn chương.
Theo suy nghĩ của chuyết giả, một tác phẩm văn học có hai cái hay. Cái hay đầu tiên là ý tưởng, nội dung. Cái hay thứ hai là câu chữ, ngôn từ, tức là phần hình thức. Lẽ dĩ nhiên là ý tưởng vẫn là trung tâm của tác phẩm, nhưng nếu không được ngôn từ dẫn dắt thì nó khó lòng mà được người đọc tiếp nhận. Giữa nội dung và hình thức có mối quan hệ qua lại, dẫn dắt cho nhau và nhiều khi phần hình thức còn can thiệp vào nội dung nữa. Vì thế, tuy nội dung là cái không mất đi và thường là giữ nguyên được khi chuyển từ thứ tiếng này sang thứ tiếng nọ còn phần câu chữ, ngôn từ thì gần như phải bỏ hoàn toàn để viết lại bằng ngôn từ mới, nhưng đôi khi sự viết lại này tác động đến phần ý tứ của tác phẩm, làm lệch lạc đi nội dung. Trong trường hợp này thì phương pháp trực dịch tỏ ra có ưu thế vì nó là một bản sao cấp độ khác của tác phẩm. Biết rằng bản dịch luôn phải biến dạng đi so với nguyên bản, dù ít dù nhiều nhưng nhiều khi sự biến dạng là không được phép.
Dịch giả thường có khuynh hướng giống Lâm Ngữ Đường, là hoàn thiện hóa câu chữ, ngôn từ trong ngôn ngữ đích mặc dù nếu dịch sát thì nó lủng củng, không hay. Câu chữ của tác giả trong ngôn ngữ nguồn không phải lúc nào cũng hoàn hảo, và dịch giả có lương tâm cũng phải mô phỏng lại sự không hoàn hảo đó trong ngôn ngữ đích. Nếu tác giả dùng từ lủng củng trong văn bản nguồn thì dịch giả cũng phải viết lủng củng như thế trong ngôn ngữ đích. Nói cách khác là chụp lại cái cảm giác mà tác giả gây ra cho người đọc trong ngôn ngữ nguồn và truyền lại cái cảm giác đó cho người đọc ở ngôn ngữ đích, ngoài cái nội dung chính yếu của tác phẩm. Nhưng làm được điều này khó lắm thay. Hiểu cho đúng ý tác giả đã là khó khăn rồi, huống hồ là mô phỏng lại cái cảm giác mà tác giả gây ra cho người đọc. Muốn làm được điều này thì dịch giả phải hiểu được và mô phỏng được giọng văn của tác giả. Đọc và hiểu đúng nội dung đã khó, nhưng hiểu được giọng văn càng khó hơn. Và thường thì điều này chỉ có được sau khi dịch giả đã tiếp xúc nhiều quyển sách khác nhau của cùng tác giả. Đến đây lại nảy ra một mẫu thuẫn giữa hai trường phái trực dịch và ý dịch về vấn đề này.
 
Chuyết giả đã từng đọc được một truyện ngắn về anh họa sĩ Nhật có cách dạy đứa học trò nhỏ tuổi của mình theo cách mà trong dịch thuật gọi là ý dịch. Anh ta kể cho đứa bé câu chuyện "ông hoàng cởi truồng" của Andersen theo cách của mình, rồi cho nó vẽ lại câu chuyện đó bằng tranh. Thằng bé vẽ ông hoàng đầu để chỏm như các Samurai thời phong kiến, mình đóng khố. Tức là trong đầu thằng bé, bối cảnh của câu chuyện là nước Nhật chứ không phải là một nước phương Tây. Ở đây người họa sĩ chỉ truyền cho nó cái tinh thần chính của câu chuyện chứ không đi vào kể những chi tiết đền đài áo mão của Tây phương như thế nào. Trong dịch thuật cũng thế, có nhiều người cho rằng bản dịch hay là phải làm sao để người đọc cảm nhận rằng câu chuyện đó không xa lạ với mình, không xảy ra ở một nước nào đó mà là xảy ra ngay tại xứ mình. Cụ Bùi Giáng khiến nhiều người ưa thích khi dịch tác phẩm văn học Pháp "Hoàng tử bé" mà khiến người đọc cứ ngỡ rằng nhân vật trong truyện là người Việt. Nhưng ngược lại, cũng có không ít người phản đối cách dịch này vì cho rằng nó làm mất đi tinh thần của nguyên bản, không tôn trọng tác giả. Mẫu thuẫn này đã từng và sẽ luôn là một mâu thuẫn không thể nào giải quyết được.
 
+ Thông dịch: Là hình thức dịch hiện trường, nghe tai nói miệng như đã dẫn bên trên. Cái khó của công tác thông dịch là phản xạ nhanh nhạy, phải nghe hiểu ngay và nói lại ý nghĩa được ngay chứ không có thời gian trầm ngâm suy nghĩ như biên dịch. Nhưng nó cũng có mặt dễ hơn so với biên dịch là người ta có thể chấp nhận được những sai sót nhỏ nhặt trong câu chữ hay sự lủng củng tối nghĩa, hoặc chính người thông ngôn cũng có cái đặc quyền là không hạn chế câu chữ để giải thích cặn kẽ cho ý nghĩa của lời nói. Người đời vẫn thường nói "lời nói gió bay", "bút sa gà chết" cũng là cái ý như thế này. 
Theo ý chuyết giả, sự suy nghĩ của con người ta thường có hai hình thức là hình ảnh và âm thanh. Tất nhiên là trong tôn giáo, người ta còn phát triển ra nhiều hình thức kỳ lạ hơn nữa, như là "phi tưởng" chẳng hạn, nhưng ở đây không bàn đến. Thông thường, khi anh suy tư về vấn đề gì đó thì trong đầu anh sẽ có một giọng đọc, chẳng biết là của ai, đọc lên những dòng suy tư đó thành câu chữ. Như vậy ở đây suy nghĩ chính là âm thanh của thứ tiếng mà anh biết rành, hoặc là tiếng mẹ đẻ của anh. Còn như khi anh tưởng về một cô gái, thì hình ảnh của cô ta hiện lên trong đầu anh chứ không còn là âm thanh nữa. Như vậy ở đây suy nghĩ chính là hình ảnh.
Trong Phật giáo, các Thiền tăng hay nói rằng: "trực chỉ nhân tâm, kiến Tánh thành Phật". Dĩ nhiên bài này không bàn đến vấn đề tôn giáo, nhưng cũng muốn nói rằng áp dụng câu này vào việc học ngoại ngữ, thông dịch là vô cùng có lợi. Một cái sai lầm thường thấy của người học ngoại ngữ là suy tư gián tiếp qua âm thanh. Chẳng hạn, khi nghe từ "con cá" thì người Việt sẽ hình dung ra ngay sinh vật đó có đặc trưng gì, sống ở đâu. Nhưng khi anh ta học tiếng Anh, nghe từ "fish" thì đầu óc anh ta tự động chuyển hóa: fish --> con cá ---> hình ảnh, đặc trưng của cá. Như vậy để hiểu được ý nghĩa của từ "fish" thì anh ta phải mất một bước chuyển hóa trung gian không cần thiết. Nếu tập được cách suy tư "fish" ---> hình ảnh con cá, đặc trưng của cá thì sự hiểu và tiếp nhận ý nghĩa từ vựng của anh ta sẽ nhanh hơn.
Phương pháp này cũng có một khuyết điểm nhỏ là khi dịch hiện trường, dù hiểu rất nhanh ý nghĩa của câu nói trong ngôn ngữ nguồn nhưng người thông ngôn sẽ không nghĩ ra được từ diễn đạt trong ngôn ngữ đích ngay tức thì. Đó là hiện tượng chuyết giả thường hay thấy trong thời gian còn đi học, những bạn học trong lớp được cho là giỏi ngoại ngữ thường không được được ngay văn bản mà phải mất một lúc sau, dù họ nói là mình hiểu rất rõ ý nghĩa của nó. Tuy nhiên khuyết điểm này dễ dàng được khắc phục qua một vài lần trải qua hiện tượng này. Khi đã dịch xong một lần thì những lần sau, nếu gặp lại từ đó, cách nói đó thì đầu óc anh ta sẽ tự động dịch ngay tức thời sang ngôn ngữ đích mà vẫn bảo đảm được sự hiểu nhanh.
Phương pháp tư duy "fish" --> "con cá" --> hình ảnh của cá, đặc trưng của nó cũng có lợi điểm nho nhỏ là cho phép người thông ngôn nói ngay ra được từ tương đương với ngôn ngữ nguồn ở ngôn ngữ đích. Nhưng nó cũng chỉ giới hạn như vậy và rất khó để phát triển thêm.
Nhưng dù có là phương pháp tư duy nào, phương pháp dịch thuật nào, dù là biên dịch hay thông dịch đi nữa cũng đều cần phải sớm luyện tối rèn thường xuyên mới có kết quả. Nỗ lực là điều tất yếu trong bước đường thành công. Điều kiện cần và đủ để có thể làm công tác dịch thuật là hiểu rõ cả ngôn ngữ đích và ngôn ngữ nguồn, thường là tiếng mẹ đẻ của mình. Nhưng ngay cả tiếng mẹ đẻ, ai cũng phải học ngay từ lúc nhỏ và trải qua một thời gian dài sử dụng, mà có ai dám chắc mình đã hiểu nó thấu đáo? Đó là một cái rất, rất khó của ngôn ngữ vậy.
Dịch thuật, nó là một thứ gì đó giống như khi con người ta mở miệng phát biểu liền cảm thấy lời nói không thật như ý nghĩ của mình. Cách diễn đạt và ý tưởng của con người không bao giờ có thể "nhất như" với nhau, và chừng nào con người còn dùng lời nói để diễn đạt suy tưởng của mình thì hãy còn những lệch lạc trong diễn giải, và dịch thuật cũng không đi ra khỏi khuyết điểm này.
>>> Tham khảo: Công ty dịch thuật uy tín tại tphcm
 
 


Các tin khác