Thảm họa dịch thuật vẫn chưa có hồi kết

Tin tức & Sự kiện

Thảm họa dịch thuật vẫn chưa có hồi kết


Cụm từ “thảm họa dịch thuật” giờ đã trở thành quen tai bởi cứ ít bữa người ta lại phát hiện ra những lỗi dịch rất… hài hước trên một tác phẩm nào đó. Khi bị dư luận “truy” thì dịch giả đổ tại khâu biên tập, biên tập viên NXB thì đổ tại… khách quan. Nhận định về những vấn đề của dịch sách văn học trong thời điểm hiện nay, ngày 8-5 tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Pháp cùng Công ty sách Nhã Nam đã tổ chức tọa đàm xoay quanh chủ đề này.

Các dịch giả đang trình bày quan điểm về dịch thuật tại buổi tọa đàm.

Không ai tránh được lỗi!

Buổi tọa đàm thu hút được đông đảo người quan tâm, từ những người rất trẻ, là học sinh, sinh viên, nhưng cũng không ít dịch giả đầu đã điểm bạc. Theo dịch giả Phạm Xuân Nguyên thì sau rất nhiều bài viết, những ý kiến trao đi đổi lại về chất lượng của văn học dịch, đã đến lúc cần phải nhìn thật, nói thẳng với nhau.

Mặc dù ở tuổi “U90” nhưng dịch giả Lê Hồng Sâm vẫn còn đầy nhiệt huyết với sự nghiệp dịch thuật. Bà cho rằng phải coi việc phê bình, nhận xét các tác phẩm văn học dịch trong thời gian qua là việc đáng mừng. Bởi lẽ, sách xuất bản có người đọc và người đọc có hiểu biết thì mới có thể có những ý kiến trao đi đổi lại như thế. Bà cho rằng, trước kia, sách rất ít, sách dịch lại càng ít hơn vì thế mỗi quyển ra đời đều được đón nhận rất nồng nhiệt. Song cũng không thể phủ nhận rằng bản dịch của các thế hệ tiền bối là không mắc lỗi. Như khi thực hiện việc dịch toàn bộ “Tấn trò đời” của Balzac, bà cùng các cộng sự đã xin phép các bậc tiền bối được sử dụng những bản dịch được đánh giá là “khuôn thước” trước đây. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát lại với tâm thế của người học hỏi là chính, đối với 7 tác phẩm được coi là trung tâm của bộ “Tấn trò đời” thì có một số lỗi cũng đã được phát hiện. Điều này có thể khẳng định, không ai có thể tránh được sai sót nhưng thế hệ trước rất ít sai. Bà Lê Hồng Sâm nhấn mạnh, người dịch là phải phục tùng một cách sáng tạo nguyên tác.

Theo dịch giả Trịnh Lữ, dịch phẩm trước hết phải là một bản dịch chính xác trước khi là một bản dịch nghệ thuật dù rằng trên thực tế, rất nhiều bản dịch được coi là không chuẩn xác nhưng người đọc lại đón nhận nồng nhiệt thay vì những bản dịch nghiêm cẩn tôn trọng bản gốc. Ông bảo vệ quan điểm này bởi lẽ, chính việc trung thực với bản dịch, với văn hóa bản địa của nguyên tác sẽ đem đến cho người đọc cảm nhận về sự đặc biệt về văn hóa, ngôn ngữ của chính tác giả. Việc người dịch giữ nguyên màu sắc văn hóa ẩn sau mỗi câu từ của tác giả cũng làm giàu thêm ngôn ngữ tiếng Việt - ông Trịnh Lữ khẳng định.

Không phản đối quan điểm này nhưng TS Đặng Thị Hạnh lại cho rằng, việc bám nguyên tác không phải là nhất nhất giữ nguyên từng từ, từng chữ mà phải bám bằng được cái hồn của tác phẩm. Nói chung, dịch giả, biên tập và công chúng không nên quá coi một vài lỗi từ ngữ là nghiêm trọng. Trong bản dịch đầu tiên truyện “Hóa thân” của Franz Kafka chẳng hạn, người chuyển ngữ đầu tiên đã tự cho phép mình bớt đi 700 từ của nguyên tác và tự ý thêm vào 800 từ. Nhưng việc làm này đã không hề làm ảnh hưởng tới tác phẩm cũng như vị trí của Kafka trong lòng độc giả - bà Hạnh đưa ra dẫn chứng.

Sai sót do độ thẩm thấu văn hóa?

Rất buồn là trong khi rất nhiều dịch giả lớn tuổi, đã nhiều năm tâm huyết lăn lộn với nghề đưa ra nhiều nhận định cũng như ý kiến rất xác đáng trong việc tiếp cận và cho ra đời một tác phẩm văn học dịch thì với các dịch giả trẻ tuổi lại dường như thiếu sự nhiệt huyết và đam mê. Ngay sau lời giới thiệu rất trân trọng của ông Phạm Xuân Nguyên về việc xuất hiện những thế hệ dịch giả trẻ dũng cảm dám khai phá những lãnh địa mà trước đây dường như đã đóng khung dành riêng cho bậc tiền bối, thì Đào Bích Liên - người nổi lên gần đây với một số tác phẩm dịch từ tiếng Trung Quốc - lại rất thản nhiên thừa nhận rằng cô dịch các tác phẩm ấy mà chưa hề có nền tảng, khái niệm hay định hướng gì về việc dịch thuật. Cũng không thể chê trách sự thật thà đến ngây thơ của Đào Bích Liên bởi lẽ khởi điểm của cô là việc dịch những trích đoạn truyện trên mạng rồi sau đó các NXB mới tìm đến cô để hợp tác ra sách.

Với dịch giả trẻ tuổi Lương Việt Dũng thì nếu làm việc một cách nghiêm cẩn như các bậc tiền bối thì quả là sức ép quá lớn. Anh thừa nhận, ngay tại thời điểm này khi nhìn lại các tác phẩm mình đã chuyển ngữ cũng đã phát hiện vô số lỗi sai. Đôi lúc cái sai không phải là từ thái độ làm việc thiếu cẩn trọng mà do độ thấm văn hóa bản địa chưa đạt được như mong muốn, sai do việc nắm bắt ngôn ngữ gốc… Lý giải cho việc người trẻ thường mắc lỗi, Lương Việt Dũng cho rằng, dịch giả cũng giống như những người thợ. Khởi đầu là thợ học việc, sau rồi lên thợ chính và cuối cùng sẽ được tôn vinh là nghệ nhân.

Chính quy trình dịch hơi ngược như hiện nay, thay vì dịch giả được chọn những tác phẩm mình thích thú để dịch thì họ lại dịch những cuốn sách được NXB mua bản quyền cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng của bản dịch. Bên cạnh đó, thay vì có thời gian hàng tháng, thậm chí hàng năm để nghiền ngẫm đưa ra một bản dịch tốt thì nay sức ép thời gian đã khiến nhiều tác phẩm dịch mới lại tạo ra những độ chênh văn hóa khó có thể san phẳng.

Mặc dù buổi tọa đàm kéo gần tới 12 giờ, nhiều ý kiến được đưa ra, song dù bàn “nát nước” vẫn chưa đưa ra được một giải pháp nào thực sự hiệu quả cho văn học dịch đương đại. Bởi lẽ mấu chốt của vấn đề không chỉ là trình độ, trách nhiệm của người dịch mà ở chính các NXB, các đơn vị liên kết, những người thực hiện việc mua bản quyền các tác phẩm văn học đưa về Việt Nam.

 
  • TS Nguyễn Thị Minh Thái: Sợ nhất là dịch sai

Theo tôi, sợ nhất là dịch sai chứ không phải là dịch sát nghĩa quá. Bởi rõ ràng tự thân câu chuyện đó là như thế. Nếu thấy tục quá thì đừng dịch nữa. Còn khi dịch thì phải chấp nhận ý đồ nghệ thuật của tác giả. Trong khi tất cả các ngành, hệ thống tư tưởng đều có định hướng thì riêng văn học lại không có. Nhiều người bảo rằng rõ ràng quyển sách ấy ở nước ngoài là best seller như thế thì sao mình không dịch. Dịch xong lại có nhiều người kêu ầm lên là sao tục thế mà cũng dịch. Vậy tục là như thế nào khi ở nước ngoài nó là văn học? Vì thế cần thiết phải đưa ra một hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo chứ không phải cứ thích gì là dịch nấy.

  • Dịch giả Ông Văn Tùng: Phải lựa được ngữ cảnh

Nhà văn thì có hàng ngàn, nhưng dịch giả chỉ có hàng chục. Dịch được một tác phẩm văn học không đơn giản, trước hết phải rành ngôn ngữ của người ta. Rồi cũng phải hiểu biết cặn kẽ về văn hóa, truyền thống của họ, nghĩa là anh phải hiểu sâu sắc về ngôn từ, điển cố, biện pháp tu từ. Còn một tiêu chuẩn nữa, ngoài giỏi ngoại ngữ, anh còn phải là nhà văn, nhà thơ. Tôi đã dịch rất nhiều tác phẩm, gặp không ít cảnh nhân vật với những lời nói tục tĩu. Ở đây mình phải lựa ngữ cảnh mà dịch cho chuẩn, cho sát. Khúc xạ của văn hóa hay ở chỗ, nhìn thì nhìn thật thẳng, nói thì nói cong, độc giả đọc đương nhiên hiểu, mà lại là hiểu sâu. Đó mới là cách dịch cao tay. Nếu không rành về văn hóa thì người dịch chỉ như trượt trên miếng ván, rất nhanh.


Các tin khác