Tin tức & Sự kiện
Tản mạn về Dịch thuật
Nhiều dịch giả đã bỏ rơi con người của nghề nghiệp
Cao Việt Dũng
Khi một dịch giả dịch một cuốn sách muốn để tên mình ngoài bìa sách cùng tên tác giả, thì hoặc là họ rất ít hiểu thật ra họ đang làm công việc gì, hoặc quan điểm về dịch thuật của họ hoàn toàn khác tôi, hoặc nữa là họ đã chọn nhầm nghề. Tốt hơn hết là họ nên cầm lấy bút và viết ra những tác phẩm của chính mình… Nếu chỉ dịch những tác phẩm đăng báo... Những người làm nhiều công việc dịch thuật văn học hẳn đều biết rằng dịch một quyển tiểu thuyết không những hấp dẫn, mà còn là bắt buộc, nếu muốn thu lượm tối đa kinh nghiệm của một người dịch đích thực. Chỉ các nhà thơ mới dịch thơ, và dịch truyện ngắn nước ngoài đăng báo không hoàn toàn thuộc vào dịch thuật văn học đúng nghĩa.Với một người dịch có kinh nghiệm, dịch hoàn chỉnh một quyển tiểu thuyết không phải là quá khó, nhưng với một số tiểu thuyết, công việc này phức tạp hơn mức bình thường. Và dịch thuật văn học còn rất nhiều điều đáng bàn ngoài phạm vi công việc cụ thể. Tôi bắt đầu dịch Hạt cơ bản khi trải nghiệm của tôi về cuộc sống phương Tây bắt đầu đậm nét. Cái lôgic của con người và văn chương những đất nước xa xôi đó không chỉ còn là hời hợt, sách vở, mà đã hiện hữu sát liền bên cạnh tôi, sát liền mà không hòa vào làm một. Cách nhìn của Michel Houellebecq được thể hiện ở những người sống gần tôi, những miêu tả cuộc sống trong cuốn sách phần lớn không còn xa lạ với tôi.
Thế nhưng, ngay cả những điều đó, cộng thêm hiểu biết về tiếng Pháp, cả sách vở lẫn đời sống, vẫn chưa giúp tôi có được một bản dịch tốt. Không thể nói là tôi thành công với những thử nghiệm dịch thuật đầu tiên. Những lời phê phán và góp ý từ nhiều người đã giúp tôi hiểu sâu cuốn tiểu thuyết hơn. Công việc sửa chữa bản dịch tốn rất nhiều thời gian, nhưng đó là khoảng thời gian cần thiết cho sự điều chỉnh tư duy dịch thuật; trong dịch thuật, cái tư duy nền tảng đó có vai trò vô hình nhưng đặc biệt quan trọng, nó quyết định đường đi và chất lượng của những bản dịch cá thể. Từ những góp ý thẳng thắn của những chuyên gia hàng đầu Việt Nam và của cả những người bạn nhiều khi chưa quen, Hạt cơ bản đã có được diện mạo trong tiếng Việt như hiện nay; tuy rằng tôi vẫn tiếp tục sửa chữa một số điểm, nhưng về cơ bản tác phẩm Houellebecq đã có được một “bản sao tiếng Việt” tương đối trung thành. Cũng phải nhờ đến NXB Đà Nẵng, và đặc biệt của cá nhân tổng biên tập Nguyễn Đức Hùng, cuốn tiểu thuyết được đánh giá là lớn và độc đáo hơn cả của văn học Pháp khoảng một thập kỷ gần đây mới được ra mắt bạn đọc Việt Nam. Từ Trăm năm cô đơn của García Márquez đến Hạt cơ bản của Michel Houellebecq, NXB Đà Nẵng đã có những đóng góp đặc biệt lớn cho ngành xuất bản Việt Nam vào đúng thời kỳ có thể nói là thoái trào về số lượng và chất lượng sách in ra ở cả ba miền. Hoặc trở thành công cụ "nhờ vả"... Hạt cơ bản trở thành một bản dịch đặc biệt trong tổng thể công việc dịch thuật của tôi; không những thế, từ một việc cụ thể, tôi có những suy nghĩ rộng hơn về dịch thuật và thực trạng ngành dịch thuật hiện nay. Ở Việt , có một số dịch giả nhầm lẫn rất lớn giữa con người xã hội và con người nghề nghiệp của mình. Con người xã hội được họ nhấn mạnh quá đà, trong khi con người nghề nghiệp bị bỏ rơi ở rất xa đằng sau. Dịch thuật là một công việc nói thẳng ra là hết sức bình thường, có thể đào tạo, và một khi ngành xuất bản đi xong những bước chập chững của buổi ban đầu trong một hoàn cảnh mới, người dịch sẽ rất nhanh chóng trở về vị trí đích thực của mình: ở trong bóng tối. Sự chú ý dành cho dịch thuật của xã hội là chuyện nhất thời, chỉ có thể có ở một vài thời điểm bước ngoặt; và dịch thuật, dù biện hộ theo cách nào, vẫn không thể là sự sáng tạo thuần túy. Thật ra dịch giả chuyên nghiệp là một cái gì đó rất hiếm, nhưng khi chấp nhận làm nghề này, hay bất kỳ nghề nào, ý thức chuyên nghiệp về việc mà mình làm là điều tối cần thiết. Sự chuyên nghiệp trong dịch thuật thể hiện ở một vài điểm hết sức cơ bản: trước hết, khi nhận dịch một tác phẩm và một tác giả, thì tốt nhất là đã phải có hiểu biết về tác phẩm và tác giả đó, hoặc là phải có một sự chuẩn bị nghiêm túc về đối tượng công việc của mình. Không thể dịch tốt một tác giả khi chưa đọc gì của ông ta và những gì người khác viết về ông ta. Ngoài ra, khi một người dịch một tác giả đến tác phẩm thứ hai, hoặc thứ ba, thứ tư…, thì khả năng anh ta dịch thật sự chuẩn sẽ là khá lớn.
Ngày nay ở Việt Nam, phần lớn các dịch giả được nhà xuất bản “nhờ” dịch một quyển sách, nhiều khi mới chỉ biết tên qua vài bài báo lặt vặt, thậm chí có khi mới chỉ biết đó là một cuốn sách được giải thưởng, là đã bắt tay vào dịch ngay. Chuyện đó không gây hại ngay tức khắc, vì hầu hết dịch giả có kinh nghiệm nào cũng đủ sức đảm bảo một bản dịch sạch sẽ, “giấu kín” được những sai lầm mắc phải, thường là những sai lầm mà bản thân họ cũng không biết, hoặc phát hiện quá muộn. Nhưng xét về dài hạn, cách làm thiếu tổ chức và thiếu chuẩn bị đó sẽ tạo ra những sản phẩm lệch lạc, phản bội rất nhiều giọng văn và phong cách của các tác phẩm. Cuối cùng, khi nào một dịch giả muốn để tên mình ngoài bìa sách cùng tên tác giả, thì hoặc là họ rất ít hiểu thật ra họ đang làm công việc gì, hoặc quan điểm về dịch thuật của họ hoàn toàn khác tôi, hoặc nữa là họ đã chọn nhầm nghề. Tốt hơn hết là họ nên cầm lấy bút và viết ra những tác phẩm của chính mình.
Các tin khác
- - Dịch luận văn từ tiếng việt sang tiếng anh
- - Dịch thuật luận văn giá rẻ
- - Vài suy ngẫm về nghề dịch thuật
- - Biên dịch viên - Thú vị và nhiều tiềm năng
- - Thảm họa dịch thuật vẫn chưa có hồi kết
- - Nghề phiên dịch
- - Slogan và những sai lầm trong dịch thuật
- - Nạn dịch sai đang phá hỏng tiếng Việt
- - Viết như là dịch thuật
- - Tính chuyên nghiệp của nghề dịch thuật
- - Dịch thuật ở Việt Nam Cần sự đánh giá công tâm
- - Giới dịch thuật ngồi lại sau hàng loạt sách bị tố dịch sai
- - Nên nói gì khi nói về dịch thuật
- - Cần quan tâm hơn đến dịch thuật
- - Dịch thuật là khoản đầu tư cho tương lai