Dịch thuật ở Việt Nam Cần sự đánh giá công tâm

Tin tức & Sự kiện

Dịch thuật ở Việt Nam Cần sự đánh giá công tâm


Chưa bao giờ dịch thuật ở Việt Nam được quan tâm như thời gian này, tiếc là sự quan tâm này lại “tiết kiệm” những khích lệ quá. Không chỉ độc giả, ngay cả nhà phê bình dịch phẩm cũng chưa biết khen, họ thích tìm ra những cái sai để chê, không có thái độ thưởng thức thực sự.

 
 
Tình trạng dịch thuật ở Việt Nam hiện nay có đáng bị  gọi là "thảm họa”?
 
Nếu gọi tình trạng dịch thuật ở Việt Nam hiện nay là "thảm họa” thì quả là không công bằng cho nhiều dịch giả và cả ngành dịch thuật Việt Nam quá. Mới chỉ nhìn vào sự thiếu sót ở cuốn sách này hay cuốn sách kia, dịch giả này hay dịch giả kia mà đã đánh giá vậy là quá phiến diện. 
 
Thực tế, dù bị chê  nhưng dịch thuật Việt Nam đang có nhiều tín hiệu đáng mừng, bởi nếu không có sự quan tâm, không tìm hiểu thì liệu có cái để mà chê không. Đấy là về dư luận (bao gồm độc giả và nhà phê bình, truyền thông). Còn về dịch giả, Việt Nam đang có đội ngũ dịch giả rất đáng nể, đáng trọng như: Nguyễn Bích Lan (tác giả của bản dịch “Triệu phú khu ổ chuột” và 23 bản dịch khác), Cao Việt Dũng, Trần Tiễn Cao Đăng, … Riêng với Nguyễn Bích Lan, chị mới đi vào dịch thuật nhưng “lớp trước còn xa mới đuổi kịp cô ấy” (dịch giả Thúy Toàn). Lớp dịch giả này được đánh giá là có nhiều phẩm chất tốt hơn những thế hệ đi trước..Vậy sao gọi là thảm họa?! 
 
“Sạn” trong nhiều tác phẩm dịch hiện nay không phải là không có nhưng cũng phải tìm hiểu một chút về nguồn cơn của những hạt sạn này trước khi kết luận nó là “thảm họa”. Sai sót trong dịch thuật có nhiều lí do, đôi khi không phải vì dịch giả thiếu cẩn trọng, trình độ mà là hạn chế độ thẩm thấu ngôn ngữ văn bản gốc, bao gồm trình độ ngôn ngữ gốc và kiến thức văn hóa ngôn ngữ gốc. Để cho ra đời một bản dịch, có dịch giả phải dành công sức dịch từ ba, bốn bản bằng 3, 4 ngôn ngữ khác nhau, có dịch giả lại mất không ít thời gian trao đổi qua lại với tác giả của nó và còn rất nhiều câu chuyện, hành trình dịch thuật khác không thể nói ra hết ở đây. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu dịch giả có đủ điểu kiện về vốn ngoại ngữ như dịch giả trong ví dụ thứ nhất và có bao nhiêu tác phẩm có tác giả còn sống để trao đổi với dịch giả như trong ví dụ thứ hai?
 

Bên cạnh đó là sức ép về tốc độ, số lượng bản dịch xuất bản khiến nhiều dịch giả không có nhiều thời gian chăm chút cho bản dịch của mình. Hãy làm phép so sánh với quy trình cho ra một bản dịch văn học của những năm đầu thế kỷ 19 và một bản dịch văn học bây giờ để thấy rõ hơn về điều này. Dịch giả bây giờ vừa phải chạy theo NXB, vừa phải chạy theo độc giả. Làm sao để tác phẩm mới nhất của nhà văn này, nhà văn kia đang gây xôn xao thế giới phải có ngoài quầy bán ngay ngày mai. Còn trước đây, dịch giả phải nghiền ngẫm sao cho thấu đáo từ nội dung đến thẩm mỹ của tác phẩm, rồi dịch, tìm tòi sao cho những gì mình dịch ra, chuyển tải không đơn thuần là nội dung mà phải là cả cái thẩm mỹ mình thẩm thấu được ở bản gốc. Thời gian để cho ra đời một bản dịch thời bấy giờ tính bằng năm chứ không phải bằng tháng, bằng ngày như hiện nay.

 


 
 
Cần một thái độ thưởng thức thực sự
 
Phải thừa nhận một thực tế là nhiều độc giả và cả nhà phê bình dịch phẩm hiện nay chưa biết thưởng thức bản dịch thực sư. “Mọi người thích thú với việc chê chứ ít ai khen một chi tiết dịch hay” (dịch giả Lê Hồng Sâm). Nếu trước đây, người ta dùng từ “phê bình” khi đánh giá chất lượng một bản dịch thì bây giờ là “đánh”, là “ném đá”, cách dùng từ đó thể hiện thái độ phê bình nặng nề, có phần tiêu cực.
 
Đáng buồn là nhiều người còn coi chê như một cách khẳng định thương hiệu bản thân. Lẽ thường, chê thì phải hơn mới chê. Cầm trên tay một bản dịch, thay vì công nhận những cái được, cái tốt của nó thì lại chỉ chăm chăm nhảy vào đào bới những cái sai, cái chưa hợp lý. Bởi vậy, dịch giả bây giờ nhớ như in những lần được khen vì nó có nhiều nhặn gì đâu; họ cũng  luôn chuẩn bị tinh thần để nhận “đá ném” vì nó như điều tất yếu đồng hành cùng một bản dịch vậy, "Tôi là một dịch giả, đến một ngày nào đó cũng có thể bị "ném đá" (dịch giả Nguyễn Bích Lan). 
 
Nói đến đây lại phải đề cập một chút về văn hóa chê. Ngày xưa, biết chữ là có văn hóa; bây giờ thì khác, biết chữ chưa chắc đã có văn hóa. Mỗi dịch phẩm nên được coi là một tác phẩm nghệ thuật và người đọc phải xác định tâm thế như một người thưởng thức nghệ thuật khi đọc một tác phẩm dịch. Tuy nhiên, “độc giả Việt Nam hiện nay có trình độ, học vấn không đồng đều, vậy nên trước một phản ứng từ độc giả, dịch giả nên xem phản ứng đó có thái độ như nào, với mục đích gì” (dịch giả Trịnh Lữ). Cũng phải phân biệt cái chê mang tính khích lệ, xây dựng với cái chê chỉ để chê, cái chê phong trào.
 
Không thể phủ nhận những tồn tại của ngành dịch thuật Việt Nam nói chung, xong chúng ta cũng phải ghi nhận những thành quả về văn hóa, kinh tế mà ngành này đem lại. Các dịch giả của Việt Nam đang làm rất tốt vai trò “thồ văn hóa” của mình. Người Việt tự tin hơn khi giao lưu với bạn bè quốc tế bởi họ đã được chuẩn bị rất nhiều kiến thức về văn hóa, chính trị, xã hội qua những bản dịch.
 


Các tin khác