Cần quan tâm hơn đến dịch thuật

Tin tức & Sự kiện

Cần quan tâm hơn đến dịch thuật


Từ khi Việt Nam tham gia công ước Berne, thị trường sách văn học dịch sôi động hẳn lên với những vấn đề về mua bán, trao đổi, chuyển nhượng bản quyền. Bên cạnh đó, tồn tại không ít dư luận gay gắt về chất lượng dịch thuật hiện nay. eVăn đã có cuộc trao đổi với dịch giả Hoàng Thúy Toàn xung quanh vấn đề này.

- Ông nhìn nhận thế nào về hiện trạng dịch thuật văn học thời gian qua?

- Công việc dịch thuật ở một góc độ nào đó cũng như công việc sáng tác. Thơ ca có những tác phẩm giàu tính nghệ thuật, có những tác phẩm “con cóc”, văn xuôi có những tác phẩm còn có vấn đề này nọ về nội dung, về hình thức. Dịch thuật cũng vậy. Có những bản dịch hay bên cạnh những bản dịch dở. Đó là điều bình thường của một xã hội đang phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua, dư luận đã lên tiếng gay gắt về những tác phẩm dịch ẩu, dịch vội, dịch sai nguyên tác…

Chất lượng bản dịch là một vấn đề quan trọng nhưng bên cạnh đó cũng cần chú ý đến một hiện trạng là bây giờ chúng ta có quá nhiều những dịch phẩm ăn khách nhưng có rất ít giá trị văn chương.

- Theo ông, những tồn tại chính của ngành dịch thuật nước ta hiện nay là gì?

- Công việc dịch thuật từ lâu đã được để mặc cho tự phát triển, nghĩa là không có sự đầu tư có bài bản; ai say mê thì làm, ai có nhu cầu thì làm, không ai yêu cầu, bắt buộc nhưng cũng không có sự giúp đỡ.

Ngành dịch thuật cũng ít nhận được sự hướng dẫn của dư luận, giới phê bình, nghiên cứu. Ở đây tôi muốn nói đến những nhận xét chân thành chứ không chỉ là sự khen chê chung chung của giới phê bình.

Vai trò của dịch giả chưa được nhìn nhận đúng đắn và chưa được trả công xứng đáng. Trong một đất nước có tới 80 triệu dân như VN nhưng lượng sách in ra chỉ được khoảng 1.000-2.000 bản và cũng phải rất chật vật mới bán hết. Qua đó có thể nhận thấy, nhuận bút dành cho dịch giả, tác giả là rất thấp. Nhưng nhuận bút thấp vì in ít chỉ là một phần, người dịch cũng như các tác giả nói chung còn đang bị bóc lột vì người ta in lậu nhiều mà đâu có trả thêm tiền nhuận bút cho tác giả, dịch giả. Những người có tâm huyết, có lòng say mê thì chỉ coi dịch thuật là một thú chơi, thỏa mãn tình yêu chữ nghĩa của mình. Còn những người sống bằng nghề dịch thì phải dịch nhiều, dịch vội… Đấy là chưa kể người ta vẫn quan niệm công việc dịch thuật chỉ là một công việc ăn theo, không thể nào sang như công việc sáng tác…

Trong lĩnh vực dịch văn học, chúng ta chưa có những tủ sách đẹp, có hệ thống, văn học Nga ra văn học Nga, văn học Pháp ra văn học Pháp… mà chỉ chú trọng dịch hàng loạt những tác phẩm ăn khách. Chúng ta vẫn quen cách làm tủn mủn kiểu như, thấy tác giả nào hay, dịch một vài cuốn, thấy tác giả nào được giải Nobel hay Booker, dịch vài cuốn nữa. Cách làm đó sẽ không đem lại cái nhìn hoàn thiện về một tác giả hay một nền văn học.

Ngành dịch thuật VN chưa có đội ngũ dịch giả, mà chỉ có những người dịch thuật lẻ tẻ, ai thích thì làm.

- Vậy theo ông, cần có những giải pháp nào đề phát triển ngành dịch thuật ở VN?

- Tôi mong nhà nước có những chủ trương, biện pháp và sự đầu tư cụ thể để xây dựng những tủ sách dịch hay và có ý nghĩa. Hội đồng dịch cùng nhiều tổ chức khác như Viện Văn học, thậm chí có sự tham gia của Cục xuất bản từng thảo luận các kế hoạch tủ sách lớn nhưng rồi không có ai tổ chức, đầu tư, có trách nhiệm cụ thể thực hiện.

Tôi biết có những quốc gia coi công việc dịch là một trong 4 mục tiêu quan trọng bên cạnh viết về lịch sử, viết cho trẻ em, viết cho đại chúng. Xác định tầm quan trọng của dịch thuật như vậy nên người ta có sự đầu tư rất tốt.

Nếu chúng ta có định hướng, chúng ta có thế thành lập ra một hội đồng dịch giả gồm những chuyên gia có trình độ trong từng lĩnh vực. Hội đồng này sẽ là những người thực hiện công việc giới thiệu các tủ sách hay của văn học nước ngoài đến độc giả trong nước và kiểm định được các bản dịch trên thị trường.

Hiện tại chúng ta vẫn phải tái bản rất nhiều bản dịch từ những năm 60. Mà cần lưu ý rằng những bản dịch ấy thường được dịch qua một ngôn ngữ khác. Thậm chí có những tác phẩm văn học Nga được phỏng dịch ra tiếng Việt qua những bản phỏng dịch tiếng Anh, tiếng Pháp, và như thế độc giả được tiếp nhận một tác phẩm văn học nước ngoài qua mấy lần “phỏng dịch”. Vậy tôi đặt vấn đề là chúng ta có nên dịch lại những tác phẩm này không và nếu làm thì sẽ tiến hành như thế nào?

- Để thuận lợi khi giao dịch tác quyền với các đối tác nước ngoài, theo ông cần chú trọng điều gì?

- Rất nhiều quốc gia cho bản quyền, hoặc bán bản quyền rất rẻ. Nếu nhà nước có chủ trương dịch cả một tủ sách thì vấn đề giao dịch bản quyền qua kênh nhà nước sẽ thuận lợi hơn. Còn đối với thị trường sách ăn khách, hãy để các NXB tự năng động liên hệ. Bây giờ một số NXB rất nhanh nhạy trong vấn đề tìm kiếm đối tác và mua bán, chuyển nhượng bản quyền.

Khi làm việc với các đối tác nước ngoài, chúng ta phải có ngoại ngữ và phải hiểu luật. Ví như nếu Trung tâm bản quyền có những người không biết ngoại ngữ và không thông thạo luật thì chúng ta chỉ có thể bảo vệ được bản quyền giữa những người Việt với nhau thôi, chứ không thể giành được lợi thế khi làm việc với người nước ngoài.

- Một dịch giả tốt theo ông cần có những yếu tố gì?

- Người dịch phải yêu công việc, yêu văn chương. Phải học hỏi để giỏi tiếng mẹ đẻ. Biết ngoại ngữ tất nhiên là một yếu tố không thể thiếu. Đồng thời, người làm công việc dịch thuật phải am hiểu văn hóa, có thói quen làm việc cẩn trọng, chịu khó tra cứu…

Cụ Khương Hữu Dụng là một ví dụ. Cụ không phải là người rất giỏi về chữ Hán nhưng cụ biết tích lũy, biết tìm hiểu và tra cứu. Khương Hữu Dụng là một tấm gương cho những người làm công tác dịch thuật.

Tất nhiên, những người giỏi ngoại ngữ và có điều kiện học tập, sinh sống ở nước ngoài như Hồ Anh Thái, Trịnh Lữ… với vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa cũng là một yếu tố rất quan trọng.

- Ông có nhận xét gì về sự khác nhau giữa lớp dịch giả ngày xưa với lớp dịch giả bây giờ?

- Người dịch bây giờ giỏi, có điều kiện thông tin nhiều hơn, lịch lãm, văn hóa hơn, hiểu biết hơn nhưng không cẩn trọng, không chịu khó tra cứu.

Lớp dịch giả cũ đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn cho bản dịch. Chúng tôi chịu khó tra hết từ điển này đến từ điển khác chứ không vội vã như dịch giả ngày nay.

- Ông đánh giá thế nào trước hiện tượng các dịch giả thường đứng tên mình nhưng lại xé lẻ bản dịch cho những người khác thực hiện?

- Đó là việc không nên làm, nhưng hiện tượng đó sẽ còn tiếp diễn vì có cung thì có cầu. Các nhà xuất bản thích thế. Những dịch giả tâm huyết muốn làm nghiêm túc cũng khó bởi NXB muốn làm nhanh để kịp tiến độ, họ chia nhỏ bản dịch cho nhiều người… Vì vậy chúng ta lại phải đề cập đến những giải pháp khả thi hơn như tăng cường đầu tư cho dịch giả để người ta toàn tâm toàn sức, vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng.

- Với tư cách là chủ tịch Hội đồng văn học dịch, ông có thể cho biết Hội đồng sẽ làm gì để ngăn chặn hiện tượng dịch ẩu như hiện nay?

- Trước hết tôi phải nói rõ: Hội đồng văn học dịch chỉ là tổ chức tư vấn cho Hội Nhà văn thôi, không có quyền hành gì hết, không “oai” gì đâu. Hội đồng chỉ có thể thỉnh thoảng bày tỏ tiếng nói của mình trên báo chí nhưng tiếng nói này “lọt thỏm” trong một sự im lặng chung. Chúng tôi cố gắng tổ chức những cuộc hội thảo, những buổi gặp gỡ giữa những người dịch thuật, để dịch giả có dịp nhìn lại mình và công việc mà mình đang làm. Sắp tới chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức những hội thảo như vậy. Tôi tin lãnh đạo Hội Nhà văn sẽ ủng hộ hoạt động này của chúng tôi.

 


Các tin khác